Cuộc chiến khốc liệt về AI giữa các ông lớn trong ngành Công nghệ !

Không chỉ phục vụ cuộc sống và mục đích thương mại, vậy đâu là lý do thực sự khiến Facebook, Amazon, Microsoft và Google luôn thích "chém" nhiều về công nghệ AI là gì?

 
 
2016 có lẽ là một năm khá khác thường của làng công nghệ: Ngoài chiếc kính camera của Snapchat có lẽ chẳng có một sản phẩm đột phá đạt đến tầm rung chuyển thế giới ứng dụng chat xuất hiện trong năm nay.
 
Thay vào đó, các công ty hàng đầu như Facebook, Microsoft, Google và Amazon lại dành nguyên cả năm khiến dư luận tò mò và tán dương hết lời về cái gọi là “trí tuệ nhân tạo” với những hứa hẹn lớn về việc nâng cao sự thông minh cho các phần mềm, ứng dụng hiện nay.
 
Chỉ mới vài tuần trước, Google mở mã nguồn DeepMind sau nhiều năm nghiên cứu. Facebook thì đăng tải một series video giải thích những thuật ngữ cơ bản cũng như cách thức hoạt động của trí tuệ nhân tạo.
 
Trong khi đó, Microsoft tung ra một gói dữ liệu giúp huấn luyện các trợ lý ảo như Siri và Cortana, còn Amazon lại thông báo ra mắt Amazon Lex, dịch vụ giúp các nhà phát triển xây dựng những hệ thống trí tuệ nhân tạo thông minh như Alexa cho ứng dụng, nền tảng của họ.
 
Nếu bạn hỏi CEO của các công ty này, 90% họ sẽ lại nói về các tính năng trên phần mềm, ứng dụng của họ – từ nhận diện khuôn mặt trong Google Photos, tự động dịch bình luận Facebook hay những thứ trừu tượng hơn như sử dụng AI vào đường truyền Internet để người dùng có thể giao tiếp ảo với nhau qua kính VR HoloLens.
 
 
Thế nhưng khi mà bạn còn chưa thực sự chạm được tay vào hay mua được những thứ công nghệ thần thánh này, tất cả những lời hứa hẹn chỉ mang lại cảm giác “người trong cuộc mới biết.”
 
Sự thật là ngoài những lời hứa hào nhoáng về tương lai robot hay các hệ thống AI thông minh, lý do mà những ông lớn như Microsoft, Amazon, Google và Facebook cứ liên tục thu hút dư luận về những công nghệ này là gì?
 
1. Tuyển dụng
 
Đi hỏi bất cứ công ty công nghệ lớn nào, có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng đối với họ, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo là một thứ cũng đáng quan tâm ngang với xu hướng chuyển dịch từ PC sang smartphone.
 
CEO Google Sundar Pichai, một fan công khai của AI từng phát biểu rằng anh luôn hình dung ra trong đầu một thế giới nơi mỗi người dùng lại có một phiên bản Google của riêng mình. Facebook và Microsoft cũng từng nhấn mạnh tham vọng muốn đưa AI vào nâng cấp trải nghiệm ứng dụng theo những hướng người dùng chưa từng tưởng tượng ra.
 
 
 
Tất cả những điều này đều khiến chúng ta hứng thú với tương lai, với những công cụ cho phép người dùng sắp xếp ảnh, tư liệu gọn gàng và dễ dàng hơn, những tính năng thông minh hơn giúp hỗ trợ đắc lực hơn nữa cho công việc,…
 
Vấn đề giờ đây các công ty phải đối mặt là họ chẳng bao giờ thuê đủ được các chuyên gia về machine learning về để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tham vọng trên.
 
Thung lũng Silicon vốn là mảnh đất cạnh tranh rất khốc liệt giữa các lập trình viên. Tuy nhiên, các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo lại là những tài sản hiếm có mà bất cứ công ty nào cũng muốn sở hữu.
 
Chính vì vậy mà những lời hứa hẹn đầy tham vọng trên báo chí của các công ty thực chất chủ yếu là để thu hút các nhà phát triển tài năng về đầu quân chứ không phải chỉ để thu hút người dùng tiềm năng. Điều quan trọng nữa là các ứng viên hot mà các công ty săn tìm có thể là những nhà phát triển chuyên nghiệp, nhưng cũng có thể là sinh viên còn đang ngồi giảng đường hay những người tự học ở nhà.
 
 
Mục tiêu chính của Facebook, Microsoft hay Google là tuyển được những cá nhân tài năng có đam mê với AI – đặc biệt là khi mà sức mạnh của AI đã được tung hô quá nhiều.
 
Trên thực tế, AI cũng là một lĩnh vực rất khó nhằn với sự pha trộn của toán và khoa học thống kê. Nếu các thế hệ lập trình viên sau này bị ám ảnh bởi sự phức tạp của nó mà từ bỏ theo các hướng khác thì Google, Facebook,… sẽ gặp rắc rối lớn. Cũng vì vậy mà họ liên tục mở mã nguồn nhiều công nghệ tối tân của mình để khuyến khích những cá nhân ham thích “vọc vạch” tìm hiểu và tuyển thêm được nhân tài trong số này.
 
2. Trận chiến cloud
 
Các khách hàng đang cân nhắc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây thường đặt Amazon, Microsoft và Google lên đầu bảng so sánh.
 
Tuy đang dẫn đầu thị trường nhưng Amazon Web Services (AWS), nền tảng cloud của Amazon vẫn chưa thực sự thống lĩnh hoàn toàn địa hạt này. Các nền tảng của Microsoft, Google hay IBM đang nhanh chóng đuổi theo sau AWS với những khoản đầu tư khổng lồ và dốc toàn lực vào canh bạc cloud.
 
 
Thế nhưng về bản chất, để chiến thắng trên mặt trận điện toán đám mây, bạn cần phải có được sự yêu quý và ủng hộ từ cộng đồng các nhà phát triển – cũng chính là những người dùng tiềm năng. Khi mà nhà nhà người người đều có thể làm cloud với nhiều tính năng tốt, trận chiến giành giật khách hàng giờ đây lại xoay sang tiêu chí công ty nào thực sự đưa ra được những thứ mà họ sẽ muốn trong tương lai.
 
Lĩnh vực AI mới đang nhen nhóm trong thời kỳ bình minh nên ngày càng nhiều công ty và kỹ sư mong muốn được đi theo xu hướng này. Chính vì thế mà việc đầu tư công nghệ AI hiện nay sẽ giúp các ông lớn như Google, Amazon, Microsoft,… thu hút được nhiều khách hàng sử dụng nền tảng cloud của mình hơn.
 
Chính vì vậy mà cho dù bạn có thấy các công ty này đôi khi đang tâng bốc quá đà về những sản phẩm của mình thì hãy nhớ rằng đó là điều họ cần làm để chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi phía trước.

Theo vfpress

Gửi bình luận của bạn
Captcha
Tin liên quan